Giới thiệu chung

Các thôn trên địa bàn xã
Ngày đăng 25/06/2024 | 12:38  | Lượt truy cập: 137

1. Thôn Ninh Môn

2. Thôn Hiền Lương

3. Thôn Yên Ninh

4. Thôn Tân Thái

5. Thôn Tân Trung Chùa

6. Thôn Nam Cương

7. Thôn Khu Chợ

Giới thiệu tổng quan xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội
Ngày đăng 13/05/2024 | 09:47  | Lượt truy cập: 221

Hiền Ninh là một xã nằm ở phía Tây của huyện Sóc Sơn, giữa vòng cung của dãy núi Tam Đảo, cách trung tâm huyện khoảng 8km. Phía Đông giáp với xã Quang Tiến, Phía Tây giáp với xã Minh Phú và xã Tân Dân, Phía Nam giáp với xã Thanh Xuân và xã Quang Tiến, phía Bắc giáp với xã Nam Sơn và xã Minh Phú. Giao thông trên địa bàn xã tương đối thuận lợi với các trục đường Tỉnh lộ 35, đường Nội bài - đường 35-Minh Phú, đường liên xã đây là một trong những điều kiện thuận lợi để nhân dân đi lại và giao thương với các xã trong và ngoài huyện

1. Đặc điểm tự nhiên:

Diện tích tự nhiên của xã là 1313.71 ha, trong đó đất nông nghiệp là 608.3 ha, đất lâm nghiệp 201.2 ha. Với diện tích không quá lớn, lại chủ yếu là đất canh tác nên xã chú trọng vào phát triển nông nghiệp với những cây trồng chính là lúa, ngô, lạc. Tuy nhiên, địa hình trung du, bán sơn địa, công tác thủy lợi gặp nhiều khó khăn, đất đai bị xói mòn, bạc màu nên năng suất không cao.

Trước năm 1945, Hiền Ninh có 3 tổng Cổ Bái, Hương Đình và Ninh Bắc thuộc huyện Kim Anh, phủ Phúc Yên. Sau cách mạng, vùng đất này trực thuộc xã Bộ Lĩnh (gồm các thôn Hiền Lương - tách từ Cổ Bái, Yên Ninh - tách từ Ninh Bắc, Ninh Môn và Đông Lai - tách từ Hương Đình). Đến năm 1948, xã được nhập thêm thôn Xuân Bách (xã Mai Đình) và xã Minh Hòa (nay là Quang Tiến). Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, xã lại được tách ra thành 2 xã: Bộ Lĩnh (Hiền Lương, Nam Cương, Tân Trung Chùa, Yên Ninh, Ninh Môn và TânThái: được chia thành nhiều thôn, làng khác nhau) và Quang Tiến. Đến năm 1964, xã đổi tên thành Hiền Ninh và giữ nguyên các đơn vị hành chính trước đó cho đến nay. Hiền Ninh gồm 11 thôn như sau: Ninh Môn, Quảng Ninh, Tân An, Thái Đường, Tân Lương, Chùa Nấu, Trung Lương, Lan Chùa, Hiền Lương, Nam Cương, Yên Ninh. Đến nay Hiền Ninh có 7 thôn là Hiền Lương, Yên Ninh, Ninh Môn, Nam Cương, Tân Trung Chùa , Tân Thái và Khu Chợ. 

2. Dân cư:

Dân số xã tính đến tháng 5/2024 là 14.198 người. Ngoài 399 người theo Công giáo thì đa số nhân dân Hiền Ninh chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

Về dân tộc trên địa bàn xã Hiền Ninh có 9 dân tộc thiểu số gồm: Dân tộc Tày có 23 người, Dân tộc Thái có 14 người, Dân tộc Mường có 9 người, Dân tộc Nùng có 18 người, Dân tộc H’Mông có 6 người, Dân tộc Dao có 9 người, Dân tộc Sán Chay có 02 người, Dân tộc Sán Dìu có 3 người và Dân tộc Hà Nhì có 3 người. Tổng số người dân tộc thiểu số trên địa bàn là 87 người chiếm 0.6% dân số xã. Thành phần dân tộc thiểu số là vợ/chồng lấy vợ/chồng trên địa bàn xã Hiền Ninh. 100% người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

3. Lịch sử:

 Nhân dân Hiền Ninh có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ khá sớm. Tiêu biểu hơn cả là trận đánh thắng quân cờ đen (tàn quân nhà Thanh) của nhân dân Hiền Lương năm 1875. Đầu thế kỷ XX, trước sức tấn công dồn dập của thực dân Pháp, nghĩa quân Hoàng Hoa Thám rút về hoạt động tại địa bàn huyện Kim Anh - Đa Phúc, nhân dân Hiền Ninh đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia nghĩa quân cũng như giúp đỡ về lương thực, thực phẩm. Năm 1912, sau khi nghĩa quân Đề Thám thất bại ở Yên Thế đã đưa binh lính về đóng quân tại thôn Hiền Lương. Cụ Nguyễn Văn Thào (trưởng làng) đã cùng nhân dân giúp đỡ nghĩa quân chiến đấu chống lại bọn Pháp càn quét, tiêu diệt được 70 tên địch, trong đó có tên Tư Hổ gian ác. Đến năm 1917, nhân dân trong vùng cũng giúp đỡ nghĩa quân trong khởi nghĩa Thái Nguyên và động viên con em tham gia.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân ngày càng phát triển. Đến năm 1945, các đội tự vệ Việt Minh lần lượt được thành lập trong vùng. Ngày 20/08/1945, nhân dân thôn Nam Cương đã giành được chính quyền cùng với một loạt các thôn khác. Ngày 30/4/1947, chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập. Đại hội khoá 1963 - 1964, Đảng bộ Hiền Ninh được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân dân Hiền Ninh bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với nhiều chiến công.

Ghi nhận những đóng góp của địa phương, Đảng, Nhà nước đã tặng Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hiền Ninh 01 Huân chương kháng chiến hạng Nhì (năm 1968) và danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" (năm 2003). Đối với cá nhân, xã có 33 Huân chương kháng chiến hạng Nhất, 71 Huân chương kháng chiến hạng Nhì, 195 Huân chương kháng chiến hạng Ba, 224 Huy chương kháng chiến hạng Nhất, 198 Huy chương kháng chiến hạng Nhì. Đó là niềm tự hào của nhân dân Hiền Ninh và là cơ sở, nền tảng để xã tiếp tục phát triển trong thời kì đổi mới hiện nay.

Đến năm 2024, Đảng bộ Hiền Ninh có 13 chi bộ với 460 đảng viên.

4. Kinh tế:

Từ nền nông nghiệp thuần tuý với cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý, Hiền Ninh đang chuyển dần sang nền nông nghiệp hàng hóa.

5. Văn hóa - Xã hội:

 Cùng với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Hiền Ninh còn là địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời. Hiền Ninh là xã có số lượng di tích lớn nhất huyện với tổng số 31 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Hệ thống chùa, đình, đền, miếu mạo gắn với những lễ hội đặc sắc làm nên diện mạo văn hoá đa dạng, đặc sắc của nhân dân nơi đây. Đình, đền, chùa ở Hiên Ninh không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá của nhân dân mà qua các giai đoạn cách mạng còn là nơi trú ẩn, hoạt động cách mạng của các cán bộ của Đảng. Đình Hiền Lương, Yên Ninh, Ninh Môn là nơi diễn ra các cuộc họp của Mặt trận Việt Minh quanh vùng, cuộc họp của Tỉnh ủy Phúc Yên... trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Trong giai đoạn hiện nay, phong trào văn nghệ, thể thao, xây dựng gia đình văn hóa được xã triển khai tích cực. Năm 2023, xã có 3236/3467 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 7/7 thôn đã xây dựng được nhà văn hoá.

Xã Hiền Ninh có 31 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng gồm: Các cơ sở tôn giáo có 07 ngôi chùa và 02 nhà thờ họ giáo; cơ sở tín ngưỡng có 4 ngôi đình, 02 ngôi đền và 16 ngôi miếu lớn nhỏ nằm ở 6 thôn trên địa bàn xã. Trong đó có 13 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng nằm trong danh mục Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của UBND Thành phố về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đến ngày 31/12/2015.

           Xã Hiền Ninh có 1 di tích cấp Quốc gia là Đình Hiền Lương (Theo Quyết định Số:95-1998-QĐ/BVHTT của Bộ trưởng Văn hóa – thông tin về việc công nhân di tích Kiến trúc – nghệ thuật Đình Hiền Lương, ngày 24/01/1998); 3 di tích cấp Thành phố là Đình Yên Ninh (Theo Quyết định Số: 5191/QĐ-UB của UBND thành phố về việc xếp hạng di tích Kiến trúc – nghệ thuật Đình Yên Ninh ngày 30/7/2002), Đình Ninh Môn (Theo Quyết định Số:7674/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc xếp hạng di tích Kiến trúc – nghệ thuật Đình Ninh Môn, ngày 03/11/2017), Chùa Ninh Môn (Theo Quyết định Số:7675/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc xếp hạng di tích Kiến trúc – nghệ thuật Chùa Ninh Môn, ngày 03/11/2017).

Các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn được quan tâm gìn giữ, bảo tồn, được kiểm kê, ghi danh và phát huy giá trị theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Các lễ hội được diễn ra thường xuyên nhằm khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh các vị thánh thành Hoàng làng và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khơi dậy nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng của quê hương, con người. Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. Thông qua các hoạt động Lễ hội góp phần tuyên truyền về truyền thống lịch sử, văn hóa, thôn làng và con người Hiền Ninh đến bạn bè trong xã và khắp nơi. 

Hiền Ninh có 2 họ giáo: Họ giáo Trung Lương, năm 1977, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã ra quyết định thành lập Sân bay Quốc tế Nội Bài ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bà con giáo dân từ Sân bay chuyển về sinh hoạt tại Trung Lương, Họ giáo Trung Lương bắt đầu thành lập từ đây. Năm 2004 họ giáo có 84 nhân danh đến năm tháng 4/2024 có 220 nhân danh; Họ giáo Tân Lương, năm 1992 Họ giáo Tân Lương được thành lập, tách từ họ giáo Trung Lương. Năm 2004 họ giáo có 85 nhân danh đến năm tháng 4/2024 Họ giáo Tân Lương có 179 nhân danh. Năm 2011 nhà thờ họ giáo Tân Lương được xây dựng, trên diện tích đất 2060m2, nhà thờ có diện tích 360m2.

 Hoạt động văn hóa và Lễ hội di tích Đình Yên Ninh (mừng 04 tháng giêng, 13/4) Hội làng Đình Hiền Lương (10/2), Hội đình Ninh Môn (ngày Thân đầu tháng 2) là duy trì và bảo tồn di sản văn hóa của thôn làng, lễ hội đình Nam Cương được tổ chức vào 15/2 âm lịch, Đền Thái Đường tổ chức vào 15/10 âm lịch. Việc tổ chức Lễ hội đảm bảo theo đúng các quy định của Đảng và Nhà nước, trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không hình thức, tạo được sự phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; đồng thời đảm bảo công tác ANTT, cháy nổ và công tác phòng chống dịch đúng quy định.

6. Về giáo dục:

 Từ thời phong kiến tại xã đã có trường tư thục của Tổng sư Cát có hàng trăm học sinh. Ngoài ra còn có các lớp học của cụ Tạ Đắc Truyền, Hương Tích, Lê Quốc Bảo. Những lớp học này đã góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục Hiền Ninh thời kì trước Cách mạng tháng Tám 1945. Hiện nay, hệ thống trường học đã được xây mới, sửa sang: đến năm 2000, xã đã xây mới được 9 phòng học cấp bốn, 2 nhà hiệu bộ. Chương trình dạy và học thường xuyên được đổi mới, cải tiến cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Do đó, tỉ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp của các trường thường xuyên đạt trên 90%.

7. Về y tế:

 Trạm y tế xã thường xuyên được nâng cấp, cải tạo và trang bị thêm nhiều y cụ; đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.