Cải cách hành chính

Ngày 25/4/1976 là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi đất nước thống nhất.
Ngày đăng 25/04/2025 | 07:03  | Lượt truy cập: 6

Cách đây 49 năm, ngày 25/4/1976, cử tri cả nước nô nức đi bỏ phiếu bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Đây là bằng chứng về sức mạnh đoàn kết của nhân dân ta, quyết tâm đánh và đánh thắng mọi thế lực phá hoại nền độc lập, tự do mà ông cha ta đã nhiều năm vun đắp.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Dù non sông đã thu về một mối nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. Vì vậy, Đảng ta đã sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

Ngày 03/01/1976, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW, trong đó đã xác định rõ những nguyên tắc của cuộc bầu cử. Chỉ thị nêu rõ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Ngày 25/4/1976, trong không khí ngày hội lớn của đất nước, trên 23 triệu cử tri trên cả nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Kết quả, tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc đạt 99,36%, miền Nam là 98,59%. Cử tri đã lựa chọn và bầu 492 đại biểu Quốc hội gồm đủ các thành phần công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, đại biểu các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, đại biểu các dân tộc thiểu số và các tôn giáo.

Như vậy, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (06/01/1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 cũng phản ánh ý chí, nguyện vọng, độc lập, thống nhất của cả dân tộc Việt Nam sau 30 năm chiến tranh giải phóng đất nước. Bởi chỉ chưa đầy một năm sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã tiến hành cuộc tổng tuyển cử. Đồng thời, cũng phản ánh giác ngộ chính trị, bản lĩnh chính trị, ý chí của dân tộc Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam, đồng bào rất hăng hái đi bầu cử, lựa chọn đại biểu xứng đáng đại diện cho mình vào Quốc hội của một nước Việt Nam thống nhất.

Khẳng định đây là cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI, đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, tính liên tục của Nhà nước cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cụ thể: Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 (khóa I), năm  1960 (khóa II), năm 1964 (khóa III), năm 1971 (khóa IV), năm 1975 (khóa V).

Cuộc tổng tuyển cử năm 1976 mở ra thời kỳ mới của sự phát triển đất nước và dân tộc Việt Nam, đó là thời kỳ cả nước có một Nhà nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước cùng đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội và phấn đấu cho mục tiêu vừa độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bản đồ hành chính