du lịch và di tich
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công vang dội của một dân tộc vốn là thuộc địa, đánh thắng quân đội hiện đại của một đế quốc. Đây cũng là chiến thắng điển hình nhất trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống quân xâm lược nước ngoài, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của tinh thần quật cường, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo và sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam.
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc. Cánh đồng Điện Biên Phủ có chiều dài khoảng 18km, chiều rộng từ 6km đến 8km. Đây là cánh đồng lớn nhất, giàu có nhất và dân cư đông đúc nhất ở Tây Bắc. Điện Biên Phủ ở gần biên giới Việt Nam – Lào, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng, phía đông bắc nối liền với Lai Châu, phía đông và đông nam nối liền với Tuần Giáo, Sơn La, Nà Sản, phía tây thông với Luông Prabăng, phía nam thông với Sầm Nưa (Lào). Đối với thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, vùng Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ lục quân và không quân có tác dụng rất lợi hại trong âm mưu xâm lược vùng Đông Nam Á.
Đánh giá đây là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20 tháng 11 năm 1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, một “pháo đài bất khả xâm phạm”, một “con nhím” hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại, là nơi “nghiền nát chủ lực của Việt Minh”.
Sau khi phân tích tình hình trên các chiến trường, đầu tháng 12 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Từ đây, một cuộc động viên sức người, sức của của toàn dân tộc đã được triển khai, với quy mô lớn chưa từng có. Công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, nhà buôn và cả một số địa chủ, tư sản, ai ai cũng sẵn lòng góp công, góp của.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, cả nước đã dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Tổng kết toàn chiến dịch, nhân dân cả nước huy động được 23.126 tấn gạo, 266 tấn muối, 992 tấn thịt, 800 tấn rau, 917 tấn thực phẩm khác… Huy động 216.451 lượt dân công bằng 12 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 736 xe súc vật kéo, 11.400 thuyền bè mảng. Đồng bào nhiều địa phương cùng sát cánh bên nhau xẻ núi, san đồi, làm đường, phá thác để mở lối cho quân đi, cho thuyền chở hàng qua lại. Chỉ có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần yêu nước nồng nàn mới tạo nên khí thế cả nước ra trận. Và chính nhờ những nỗ lực đó mà điều lo lắng và khó khăn nhất tưởng chừng như không thể vượt qua là vấn đề hậu cần chiến dịch đã được giải quyết thành công.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt 1 của chiến dịch mở màn ngày 13 tháng 3 năm 1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30 tháng 3 năm 1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra ngày 1 tháng 5 và kết thúc ngày 7 tháng 5 năm 1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Năm mươi sáu ngày đêm chiến đấu gian khổ là “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, là năm mươi sáu ngày đêm quả cảm của những chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng “đầu bịt lỗ châu mai”, “chèn lưng cứu pháo”, “xẻ núi lăn bom”, “dù bom đạn xương tan, thịt nát, Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”… để đất nước đi đến mốc son lịch sử chói lọi ngày 7 tháng 5 năm 1954, khi Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy tướng Đờ Cát, báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng vĩ đại này đã mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó còn là chiến thắng có tầm vóc quốc tế, góp phần làm xoay chuyển cục diện thế giới, mở ra trang sử mới cho nhân loại.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”; của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ra sức tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ và anh dũng hy sinh của toàn quân và toàn dân ta, chúng ta đã đại thắng ở Điện Biên Phủ”. Chính sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ấy được phát huy cao độ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà tướng Navare – Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương – đã phải thừa nhận: “Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc”.
Bảy mươi mốt năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại và những bài học kinh nghiệm quý báu của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay. Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa và tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc hôm nay, đất nước ta đang vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình – kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Bản đồ hành chính
VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA HUYỆN ỦY
- Thư cảm ơn của Huyện uỷ - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam huyện Sóc Sơn
- Lời kêu gọi của đồng chí Lê thị Hồng Giang – Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh về phòng...
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2021
- Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng quý I, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng...
- Tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 8, nhiệm vụ trọng tâm tháng 9/2021
VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA UBND
- Kế hoạch số 19/KH-SDTTG ngày 09/4/2025 của Sở Dân tộc và Tôn giáo về hội nghị đối thoại với cá...
- Hiền Ninh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ hình...
- Xã Hiền Ninh tổ chức hội nghị triển khai lấy ý kiến của Nhân dân (theo hình thức lấy phiếu đến...
- KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025) Phần 5
- KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025) (Phần 3)
VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CỦA HĐND
- HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ HIỀN NINH TỔ CHỨC KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ)
- Thông báo về việc tổ chức lễ Tri ân khánh thành nghĩa trang liệt sĩ xã Hiền Ninh.
- Thư cảm ơn của Huyện uỷ - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam huyện Sóc Sơn
- HĐND XÃ HIỀN NINH KHÓA XX, NHIỆM KỲ 2021-2026 TỔ CHỨC KỲ HỌP THỨ MƯỜI (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ)
- Văn bản kỳ họp thứ 9 HĐND xã khoá XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026