Cải cách hành chính

'Đường Kách Mệnh': Kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam
Ngày đăng 21/04/2025 | 01:12  | Lượt truy cập: 16

“Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của cách mạng Việt Nam. Tác phẩm có vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam.

“Đường Kách Mệnh” là tác phẩm tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927. Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927.

“Đường Kách Mệnh” là một tác phẩm lý luận, nhưng Bác lại đặt vấn đề về tư cách - đạo đức của người cách mệnh lên ngay từ những trang đầu của cuốn sách. Tức là, phải trung thành với lý tưởng và mục tiêu, phải kiên định với sự nghiệp đấu tranh, và nhất là phải giữ chủ nghĩa cho vững và ít lòng ham muốn về vật chất.

Từ khi Đảng còn chưa ra đời, Bác đã nhìn nhận rõ yếu tố quan trọng là cách mạng muốn thành công thì ngoài đường lối chính trị, ngoài lý tưởng mục tiêu ra, một vấn đề hết sức hệ trọng là đạo đức của người cách mệnh, đạo đức của Đảng cách mệnh, nhất là khi ở vị trí cầm quyền. Bác nhấn mạnh, người cách mệnh phải ít lòng ham muốn về vật chất, có bản lĩnh chống chủ nghĩa cá nhân, chống giặc nội xâm, phải có đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư thì mới toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp cách mạng, vì sự nghiệp phục vụ nhân dân.

“Đường Kách Mệnh” có cả giá trị khoa học, giá trị đạo đức, giá trị văn hóa - nhất là văn hóa chính trị. Đây chính là giá trị bền vững, có sức sống ảnh hưởng sâu rộng lâu dài trong sự nghiệp của chúng ta hiện nay và mai sau. Trong nội dung “Đường Kách Mệnh”, Bác còn đặt vấn đề là phải rất chú trọng trong ứng xử với người, với việc, với tổ chức đoàn thể, Bác đặc biệt nhấn mạnh từ nghiêm túc: Với mình thì nghiêm, với người thì rộng lòng khoan thứ, với tổ chức thì giữ nguyên tính tổ chức.

Trong “Đường Kách Mệnh”, Bác còn đưa ra một khảo cứu lịch sử và lý luận cả về tổ chức công đoàn, về hợp tác xã, các tổ chức liên hiệp của phụ nữ, các tổ chức mặt trận đoàn thể, kể cả những vấn đề về hội chữ thập đỏ... Mặc dù, trong cuốn sách này, Bác chưa một lần sử dụng thuật ngữ hệ thống chính trị, nhưng việc Người nói về Đảng, về cách mạng, về giành chính quyền, về thành lập các đoàn thể của dân, để dân làm chủ... chính là tư tưởng dân chủ và hệ thống chính trị sau này. Người tìm ra con đường các dân tộc thuộc địa bị áp bức hoàn toàn có thể chủ động để giành lấy thắng lợi bằng sự nghiệp cách mạng “đem sức ta mà giải phóng cho ta, và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở nước ta đã chứng thực tư tưởng này của Bác là hoàn toàn đúng đắn và chính xác.

Trong “Đường Kách Mệnh” Bác viết, Đảng lấy công tác lý luận tư tưởng làm gốc và đào tạo cán bộ sau này. Tư tưởng này sau đó được Bác phát triển sâu trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, được Bác viết ở chiến khu Việt Bắc năm 1947. Trong đó, Người dành cả một chương quan trọng để nói về xây dựng Đảng cách mạng chân chính với 12 điều, mà điều quan trọng nhất: Đảng là một tổ chức cách mạng phục vụ giai cấp dân tộc và nhân loại, chứ Đảng không phải một tổ chức để làm quan phát tài. “Khi viết tư cách Đảng cách mệnh chân chính, Bác đặc biệt chú trọng đến động cơ chính trị của người vào Đảng, động cơ này mà không trong sáng, không vì dân vì nước, không vì sự nghiệp chung, mà vì vụ lợi, vị kỷ, cá nhân thì sớm muộn rồi cũng sẽ biến dạng và thoái hóa.

 

Bản đồ hành chính