du lịch và di tich

Đình Hiền Lương - nơi lưu giữ giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật
Ngày đăng 26/04/2024 | 03:05  | Lượt truy cập: 8

Đình Hiền Lương là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc Gia đã được xếp hạng tại Quyết định số 95-1998-QĐ/BVHTT ngày 24/01/1998 của Bộ trưởng bộ Văn hóa thông tin;

-  Niên đại khởi dựng: Muộn nhất thế kỷ XVIII (3 bức tranh sơn dầu vẽ phù điêu, nghệ thuật thế kỷ XVIII);

- Các hạng mục gốc: Tiền Tế (khoảng 61,5m2), Đại Đình (khoảng 82,5m2);

- Lần tu sửa gần nhất: Năm 2011 tôn tạo Phương Đình; tu bổ toàn bộ Tiền Tế và Đại Đình; làm sân;

- Diện tích khuôn viên di tích: Tổng diện tích: 5.128m2. Trong đó khu vực bảo vệ I là 4.128m2 và khoảng 1.000 m2 đất đang quản lý sử dụng.

Đình Hiền Lương là một di tích tôn giáo, là nơi tưởng niệm các anh hùng văn hóa trong buổi bình minh của lịch sử, đình được xây dựng từ rất sớm ở thời Lý mà tiền thân của nó là một ngôi đình cổ. Đình thờ 4 vị thần làng là:

- Bạch Hạc Tam Giang (thần sông).

- Vua Lý Nam Đế (Lý Bí)

- Vương Bà (Vân Vân Á)

- Thần Kỳ thổ địa: tức thần đất ( Ông Cộc) và là nơi làm lễ tưởng niệm Thánh Gióng trong ngày hóa.

Đền còn thờ cả “ Ông Dài, Ông Cụt” với tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy,...

Nằm trong hệ thống thần thoại của thời dựng nước, sự tích thần Bạch hạc mang một khuôn mẫu chung phản ánh nguồn gốc của dân tộc. Ngay từ buổi bình minh của lịch sử, ông cha ta đã trải qua bao gian lao thử thách trong cuộc đấu tranh chống thiên nghiên khắc nghiệt và giặc ngoại xâm tàn phá. Trải qua khó khăn, lịch sử đã xuất hiện những anh hùng văn hóa như: Tản viên Sơn thánh, Bạch hạc Tam giang, Phù đổng Thiên vương,... là những nhân vật huyền thoại. Đó là những biểu tượng đẹp đẽ tiêu biểu cho sức mạnh thần kỳ và lịch sử lâu dài của dân tộc.

Bên cạnh đó, nơi đây còn tôn thờ những người thật, việc thật gắn với lịch sử làng quê, với lịch sử đất nước như: Lý Nam Đế.

Đình Hiền Lương còn gắn với lịch sử cách mạnh truyền thống: Là nơi hội tụ của nghĩa quân Đề Thám, là trung tâm hoạt động chống Pháp của vùng bị tạm chiếm.

Tại Hậu Cung, đình còn một hầm lớn để nuôi dưỡng, cất giấu cán bộ, bội đội. Cũng tại đình làng, nơi đã tổ chức hội nghị của Ủy ban kháng chiến tỉnh Phúc yên và tổ chức kỷ niệm thành lập Đảng 03/02/1949.

   Đình Hiền Lương là một công trình kiến trúc cổ gắn bó mật thiết với nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp. Ngôi đình là sản phẩm trí tuệ, văn hóa của cộng đồng cư dân. Các phần kiến trúc trong Tiền Tế, Đại Đình, Hậu Cung với các kẻ, cốn gian, các đầu dư dạng đầu rồng,... với các nét chạm lộng, chạm bóng rất phong phú, trau chuốt.

Trải thời gian dài tồn tại, qua những biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc, do tàn phá của chiến tranh, do tiêu thổ kháng chiến, nhất là qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đã làm cho di tích có nhiều đổi thay theo năm tháng.

Hiện nay trong đình Hiền Lương còn bảo lưu được một khối lượng di vật với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau. Nhưng di vật này mang giá tị nổi bật nhất về mặt lịch sử nghệ thuật với những nét chạm phóng khoáng song vẫn đày tính truyền thống. Những tác phẩm ngoài chặm khắc còn phác họa trên các bức phù điêu mang giá trị nghệ thuật cao và niên đại ra đời cũng khá sớm ở thế kỷ XVIII, ngoài giá trị nghệ thuật điêu khắc, nó còn mang giá trị lịch sử về nghề truyền thống của dân tộc.

   Một số hiện vật còn lưu giữ tại di tích như:

- 1 Sắc Khải Định 9 (1924)

-  3 ngai thờ sơn son, nghệ thuật thế kỷ XIX.

- 2 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng, nghệ thuật thế kỷ XVIII và XIX.

- 3 bức tranh sơn dầu vẽ phù điêu, nghệ thuật thế kỷ XVIII.

- 1 bảng văn, nghệ thuật thế kỷ XIX.

- 1 Sập thờ, nghệ thuật thế kỷ XX.

- 2 đại tự.

- 3 câu đối, ca ngợi sự nghiệp của thần hoàng

- 1 con nghê đá, nghệ thuật thế kỷ XIX

Ngoài ra đình còn nhiều di vật, đồ thờ khác.

Nằm trong vùng đậm đặc các di tích lịch sử văn hóa, các làng cổ đầy truyền thuyết lịch sử và trong vùng các làng văn hiến đã đưa HIền Lương lên vị trí xứng đáng được trân trọng, giữ gìn, bảo vệ.

Đình Hiền Lương là một dấu tích vật chất quan trọng minh chứng cho tư tưởng và các hoạt động văn hóa, xã hội ở khu vực trong một giai đoạn lịch sử đất nước. Thể chế và tập tục làng xã trong một thời kỳ đã được bộc lộ rõ qua cấu trúc ngôi đình.

   Đình Hiền Lương là một di tích kiến trúc tiêu biểu của vùng, với những dấu tích và hiện vật còn lưu giữ được đã góp phần không nhỏ trong việc nghiên cứu lịch sử vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Với sự tồn tại của mình, đình Hiền Lương là một trong những nhân tố quan trọng cấu thành lên vùng đất Hiền Ninh. Đình Hiền Lương và những di vật còn lại cùng thần tích đã cho nhiều chứng cứ để nghiên cứu lịch sử nước ta, cho thấy một ý thức tự cường đi lên mạnh mẽ của dân tộc ta cách đây nhiều thế kỷ.

Ngôi đình từ xa xưa vẫn là nơi tụ họp giữa các làng xã, nó còn là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần củng cố sự đoàn kết cộng đồng, nuôi dưỡng những quan niệm, lối sống tốt đẹp, góp phần giáo dục các thế hệ kế tiếp của cộng đồng. Ngày nay, đình là nơi hội họp của các cụ lão ông, lão bà, là nơi gửi gắm tâm linh của mọi người, là nơi tổ chức hội hè, làm các công việc của làng xã,...

Ngôi đình cần gìn giữ, tôn tạo!

Bản đồ hành chính